Lượt xem: 25
Mất ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi bị mất ngủ kéo dài, sức khỏe và cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, cần sớm xác định nguyên nhân mất ngủ để có hướng điều trị phù hợp.
Mất ngủ là bệnh gì?
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng thức khác nhau như khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ sâu giấc, thường xuyên thức dậy sớm dù ngủ chưa đủ giấc, không thể quay lại giấc ngủ bình thường,…
Người bị mất ngủ còn cảm thấy mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy, thường xuyên buồn ngủ nhưng lại không thể ngủ được, làm ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.
Có thể chia tình trạng mất ngủ làm 2 dạng thức chính:
- Mất ngủ cấp tính: Mất ngủ không thường xuyên, không kéo dài quá 1 tháng.
- Mất ngủ mạn tính: Mất ngủ mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài từ 1 tháng trở lên.
Các loại mất ngủ thường gặp
Có nhiều dạng mất ngủ khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất có thể kể đến:
1. Mất ngủ ban đêm
Người bị bệnh mất ngủ ban đêm sẽ có các triệu chứng điển hình như khó đi vào giấc ngủ vào mỗi tối, ngủ chập chờn không sâu giấc. Giấc ngủ đêm cũng không kéo dài 6-8 tiếng như bình thường mà chỉ rơi vào khoảng 3-4 tiếng là đã tỉnh giấc.
2. Mất ngủ kéo dài/mất ngủ kinh niên
Mất ngủ nếu không được điều trị kịp thời sẽ kéo dài và trở thành tình trạng mất ngủ kinh niên, dẫn đến nhiều khó khăn và bất tiện trong cuộc sống. Chứng mất ngủ kéo dài sẽ khó điều trị hơn, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tuân theo phác đồ điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa.
3. Mất ngủ sau sinh
Phụ nữ sau sinh hay mất ngủ do nhiều nguyên nhân như: Cảm giác đau ở vết thương (vết mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn), mất ngủ do thường xuyên thức khuya chăm con nên bị rối loạn giấc ngủ, tình trạng trầm cảm sau sinh,…
4. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ bao gồm tình trạng mất ngủ, ngủ rũ ban ngày và cả việc ngủ quá nhiều nhưng không cảm thấy đủ, rối loạn nhịp thức – ngủ. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ có thể do cử động chi có chu kỳ hay ngủ rũ, hội chứng chân không yên, ngáy và ngưng thở lúc ngủ, mộng du và nghiến răng…
Mất ngủ có thể là dấu hiệu của các bệnh lý gì?
Mất ngủ là bệnh gì hay hiện tượng mất ngủ có thể là dấu hiệu của bệnh gì là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, tình trạng mất ngủ có thể là dấu hiệu của một số các bệnh như:
- Bệnh dị ứng
- Bệnh viêm khớp
- Bệnh tim
- Các vấn đề về tuyến giáp
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Thay đổi nội tiết tố: Độ tuổi trung bình ở phụ nữ mãn kinh là 50 tuổi. Ở giai đoạn này, sự thay đổi nội tiết tố có thể khiến phụ nữ ngủ không ngon giấc.
- Bệnh lý tâm thần
- Bệnh lý liên quan đến giấc ngủ (ngưng thở khi ngủ, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ, mộng du,…)
Nguyên nhân mất ngủ
Mất ngủ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Các vấn đề tâm lý, rối loạn sức khỏe tâm thần: Căng thẳng, áp lực trong tài chính, công việc, học tập hoặc bị sang chấn về mặt tâm lý (ly hôn, người thân qua đời, mất việc làm…) là những nguyên nhân dẫn đến mất ngủ vô cùng phổ biến.
- Thói quen ngủ chưa phù hợp: Những người ngủ trưa nhiều, lịch đi ngủ không điều độ, thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ,… sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn.
- Ăn quá nhiều vào buổi tối: Một nguyên nhân mất ngủ khác là do ăn quá nhiều vào buổi tối dẫn đến tình trạng khó tiêu, trào ngược dạ dày, ợ nóng,… gây khó chịu, không thể đi vào giấc ngủ.
- Thay đổi nhịp sinh học: Trường hợp đi du lịch hoặc di chuyển đến một quốc gia khác không cùng múi giờ, di chuyển trên máy bay đi qua nhiều múi giờ hoặc giờ làm việc thay đổi sáng – tối thường xuyên cũng có thể dẫn đến bệnh mất ngủ.
- Điều kiện y tế và các loại thuốc: Người gặp các bệnh mãn tính như bệnh tim, trào ngược dạ dày thực quản, hen suyễn,…, người đang bị chấn thương hoặc người đang dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến giấc ngủ (thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị hen suyễn,…) cũng có thể bị mất ngủ.
- Rối loạn liên quan đến giấc ngủ: Đây là nguyên nhân gây mất ngủ rất phổ biến, bao gồm các tình trạng như hội chứng chân bồn chồn, ngưng thở khi ngủ,…
- Tuổi tác: Tuổi tác cũng là một nguyên nhân gây chứng mất ngủ. Người già thường khó ngủ, dễ thức giấc giữa đêm hơn so với nhóm người trẻ tuổi.